(Dân trí) - Khấp khởi từ nay mình có thể lo cho
bố mẹ và đứa em khờ khạo ở quê thì trong chốc lát, các dự định của chàng
trai Trịnh Văn Ngọ tan thành mây khói khi vụ tai nạn lấy đi của em hai
cánh tay và để lại cơ thể ốm yếu.
Tai nạn điện kinh hoàng
Nằm trên giường bệnh với cánh tay vừa cắt cụt đang được băng bó, các ngón chân ở bàn chân phải bị co rút, em Trịnh Văn Ngọ (SN 1990, quê ở tiểu khu 9, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gượng gạo khi tiếp xúc với người đối diện trong “bộ dạng” mới để kể lại về vụ tạn điện kinh hoàng. Vụ việc vừa trải qua hơn hai tháng, sự bàng hoàng vẫn hiện rõ trên từng nét mặt, lời nói của em.
Em Trịnh Văn Ngọ đau đớn khi chỉ trong phút chốc từ một chàng trai lành lặn đã mất đi hai cánh tay cùng cơ thể ốm yếu.
Vừa tìm được việc, lại hồi hộp để tối đón Noel nên buổi làm việc đầu tiên, Ngọ rất hăng say. Khi Ngọ cùng anh Mai Thanh Nhàn đứng ở lầu 2 để kéo sắt thép lên thì bất ngờ một tiếng nổ vang trời, Ngọ bị hất từ lầu 2 xuống đất bất tỉnh không kịp biết chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau, khi mở mắt ra, Ngọ thấy mình nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy, em như chết thêm một lần nữa khi thấy hai tay đã được phẫu thuật cắt cụt.
Lúc này Ngọ mới nghe kể lại, Ngọ và anh Nhàn bị điện cao thế giật truyền qua thanh thép. Hai cánh tay Ngọ đang kéo thép bị hoại tử đến 1/3, từng mảng da tay cháy đen bám lại trên thanh sắt. Ngay cả quần áo đang mặc trên người, giấy tờ để trong túi quần cũng cháy đen. Vụ tai nạn còn làm cho phần bàng quang của Ngọ bị hỗn loạn thần kinh, hiện phải đi tiểu qua ống dẫn.
“Nỗi đau thể xác thật kinh khủng nhưng không bằng sự đau đớn về tinh thần mà em phải đối diện lúc nhìn hai cánh tay cụt lủn của mình. Chỉ mới hôm qua hôm thôi, em còn là một thanh niên khỏe mạnh. Chưa chấp nhận được sự thật, lúc đó em chỉ muốn chết cho xong”, Ngọ bần thần kể lại sau khi đã trải qua 4 cuộc phẫu thuật.
Nỗi đau cả một gia đình
Em trai sinh ra đã bị ngớ ngẩn nên Ngọ trở
thành niềm hy vọng của cả nhà. Sau 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, Ngọ
theo bạn bè vào miền Nam kiếm công ăn việc làm mong bớt được gánh nặng
cho người mẹ đang đi giúp việc ở Hà Nội. Bố Ngọ, ông Trịnh Văn Hùng bị
khiếm thị nên mọi lo toan trong nhà đều do mình tay người mẹ lo toan.
Trong nhà còn có bà nội nằm liệt giường gần 4 năm nay.
Giấy chứng nhận thương tích sau vụ tai nạn điện của em Ngọ.
Đi phụ hồ kiếm được đồng nào, Ngọ tích cóp gửi về cho bố mẹ chứ không
tiêu pha cho bản thân. Nhưng niềm vui đó chỉ kéo dài chưa được 3 tháng
thì em gặp tai nạn đau thương, chuyển cuộc đời sang một hướng khác. Ngồi bên con trai, cô Lê Thị Hạnh cố ngăn không cho nước mắt rơi vì sợ con thêm tủi thân. Cô kể, hôm từ Bắc bắt xe vào với con, nhìn con, cô đã xỉu ngay tại chỗ, không tin nổi vào mắt mình. Khi cô bấn loạn, chính đứa con đang nằm trên giường bệnh động viên mẹ: “Con rất cần mẹ lúc này, mẹ phải vững vàng lên nhé!”. Ngọ còn nói với mẹ, lúc này tâm lý mình còn nhiều ức chế, nếu có nhăn nhó, gắt gỏng xin mẹ đừng nghĩ ngợi gì mà ảnh hưởng sức khỏe.
“Nghe con nói, tôi chỉ biết khóc. Con mình đang đau khổ thế nào tôi hiểu chứ, nhiều hôm mơ sảng cháu vẫn đòi chết. Giá như cháu còn lại một cánh tay, một cánh thôi… thì đỡ hơn cho cháu biết mấy”, cô Hạnh khóc.
Mong ước lớn nhất của hai mẹ con lúc này là Ngọ có thể lắp tay giả để bắt đầu một cuộc sống mới.
Sau vụ tai nạn, phía nhà thầu và chủ nhà chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng cho
Ngọ điều trị, còn tất cả các chi phí đều do cô Hạnh xoay xở. Khoản tiền
cô tích cóp mang theo đã cạn kiệt, cũng đã gọi điện về quê vay mượn
khắp nơi. Hiện, em Ngọ đang điều trị tại phòng 1, khoa 3, Trung tâm Chỉnh hình Phục hồi chức năng TPHCM (70 Bà Huyện Thanh Quan, P.7, Q.3) chờ hồi phục sức khỏe để lắp tay giả. Tuy nhiên, mong mỏi có tay giả của em cũng khó thành hiện thực vì gia đình không xoay xở được tiền.
Cô Hạnh đã có ý định đưa con về quê nhưng nghe con chia sẻ: “Có
được tay giả rồi con mới dám về quê. Khỏe lại con sẽ xin vào trung tâm
dạy nghề cho người khuyết tật, sau này có thể kiếm việc làm phù hợp để
lo cho bản thân, lo cho bố mẹ”, người làm mẹ lại không thể từ bỏ hy vọng
duy nhất lúc này của con. Nhưng đứng trước hy vọng rất thiết thực đó,
hai mẹ con họ đang rất bế tắc.