Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Nhóm lửa khi củi ướt...



Kể từ khi loài người biết cách sử dụng lửa cho đến nay, lửa vẫn luôn khẳng định được vai trò là một trong những bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của loài người. Trừ những vụ hỏa hoạn đáng tiếc thi thoảng xảy ra thì lửa luôn gắn liền với hình ảnh của sự ấm áp, đủ đầy…

Một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người, đó là biết cách tạo ra lửa. Thay vì việc chờ cây cối bị sét đánh cháy rồi mang lửa đó về hang, giao cho một chú ngồi coi không để tắt lửa thì nay còn người có thể tạo ra lửa bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu khi mình muốn bằng cách mài những thanh gỗ vào nhau hoặc ghè những viên đá để tạo ra lửa. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, công cụ tạo ra lửa cũng phát triển theo, đến ngày nay thì việc tạo ra lửa đã trở nên quá đỗi bình thường.


Nhóm lửa là cả một nghệ thuật. Mình nhớ mãi hồi bé được mẹ dạy cách đun bếp củi thế nào, kê kích củi ra làm sao để chúng có thể cháy đượm nhất, rồi ngồi trông cho những thanh củi không bị cháy sập xuống tro bếp, dễ làm tắt lửa… Đến lớp 5 là mình có thể điều tiết ngọn lửa để nấu rượu hộ bố. Lúc nào cần to để rượu chảy nhanh hơn, lúc nào cần nhỏ cho rượu chảy chậm lại… mình thao tác thành thạo. Nhìn những ngọn lửa nhảy nhót, thi thoảng nổ lách tách mình cũng tưởng tượng ra đủ thứ tính cách như người vậy, có khi thấy ngọn lửa đang buồn, có khi thấy nó đang vui, có lúc thấy nó nghịch ngợm, có lúc thấy nó cũng thật dịu dàng…

Những chuyến đi thời sinh viên lang thang trong những thung lũng vùng Tây Bắc kín đặc sương mù, mây như xà xuống thấp khiến những bản làng cứ mờ mờ ảo ảo trên sườn núi, bản này cách xa bản kia, đi cả ngày đường mới tới. Trời ẩm đến mức mình có cảm giác chỉ há mồm đi một lúc cũng hết khát. Những lúc dừng chân bên bờ suối hoặc một bãi đá cuội, mấy đứa lại đi gom cành cây xung quanh để nhóm lửa, đổ nước từ cái can mang theo ra cái nồi nhôm, đun một lúc là có nước ăn mì tôm và đủ hãm cả một cốc trà để xì xụp chia nhau uống.

Tuy nhiên với độ ẩm cao như thế, những cành củi gom về lúc nào cũng ướt như nhúng nước khiến việc nhóm lửa không còn dễ dàng như hồi ở nhà rút củi trong kho ra đun bếp nữa. Để có được ngọn lửa lúc này thì ngoài sự kiên trì cũng cần có thêm một chút kỹ năng. Bên cạnh cách xếp những thanh củi to như thông thường, trong lòng đống củi, ta phải để một ít củi nhỏ. Bật lửa thì đường nhiên là sẵn trong túi rồi, nhưng phải luôn nhớ mang theo một lượng giấy báo cũ tương đối trong balo, nó rất đắc dụng, lúc có thể trải ra làm cái bày đồ ăn, lúc có thể vò nhàu ra để làm vài việc kín đáo, nhưng có một việc rất quan trọng, đó là dùng làm mồi lửa để nhóm cả một đống củi to.

Châm lửa vào túm giấy báo và dúi vào lòng đống củi nhỏ, củi càng ướt thì càng tốn giấy báo. Ban đầu ngọn lửa này sẽ hong khô những cành củi nhỏ và rồi bắt đầu đốt cháy chúng. Nếu thấy lửa vẫn quá yếu thì đừng tiếc giấy báo, đồng thời thi thoảng phải thổi nhè nhẹ cho đống củi nhỏ đủ cháy ổn định. Ngọn lửa này bắt đầu hong khô từng khoảng của những thanh củi to xếp bên trên và cũng dần bén lửa vào những thanh củi này, ta cứ kiên trì mà chịu khói một chút. Nhớ là tránh luồng khói hoặc cúi thấp xuống một chút cho đỡ cay mắt và sặc khói vì nó chẳng bổ béo gì đâu. Cứ kiên trì, chẳng may lửa tắt thì ta lại châm ít giấy báo vào hoặc thổi nhẹ cho những chỗ đã cháy rồi có thể bùng lửa lại, lúc sau sẽ có lửa để đun nước ngon lành.

---------------------

Trong cuộc sống hôm nay, đọc báo chỗ nào cũng thấy cướp hiếp giết, chỗ nào cũng thấy lộ hàng, lột quần áo, chỗ nào cũng thấy vô cảm, chỗ nào cũng thấy chê bai, chỉ trích thảm họa này thảm họa kia… khiến cho những giá trị tốt đẹp cứ như chỉ le lói đâu đó, thậm chí có lúc người ta chẳng dám thể hiện ra vì sợ … khác người. (?)

Có những người lớn dành cho tuổi trẻ những đánh giá hết sức “vô tư” như: “Bọn trẻ bây giờ hỏng rồi, toàn tệ nạn, đánh đấm nhau, ngày xưa chúng tôi…”. “Bọn trẻ bây giờ học hành kiểu gì vậy? Ngày xưa chúng tôi…”. “Bọn trẻ bây giờ yêu đương kiểu gì vậy? Ngày xưa chúng tôi…”. “Bọn trẻ bây giờ ước mơ với thần tượng kiểu gì vậy? Ngày xưa chúng tôi…”. “Bọn trẻ bây giờ sống không có lý tưởng và ý chí. Ngày xưa chúng tôi…”…

Có lẽ “bọn trẻ” không cần chê thêm nữa bởi vì có vẻ như nó không thỏa đáng. “Bọn trẻ” cần nhiều hơn nữa những giá trị tốt đẹp, cần nhiều hơn nữa những gương tốt, việc tốt, cần nhiều hơn nữa những câu chuyện bổ ích để “bọn trẻ” có thể tìm ra cho mình một lối sống đúng đắn. Mà việc này là trách nhiệm của người lớn chứ tự “bọn trẻ” thì chúng chưa đủ trải nghiệm để làm ra những điều này. Vậy có chê trách, hãy chê trách người lớn đã không làm những điều này.

Thế tóm lại bây giờ ai sẽ làm đây? À thì có quá nhiều việc phải làm nên muốn làm được chúng ta cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường, xã hội… bla…bla… Nhưng tóm lại là bây giờ ai làm??? À thì có quá nhiều việc phải làm…

Thôi vậy, chúng ta quay lại với kỹ năng nhóm lửa với những thanh củi ướt. Chúng ta không thể trông đợi đến lúc trời sẽ nắng to và độ ẩm thật thấp, củi thật khô và dễ cháy để chúng ta nhóm lửa. Để có một đống lửa để sưởi ấm và nấu ăn ngay lúc này thì chỉ còn cách áp dụng kỹ năng nhóm lửa với những thanh củi ướt, bắt đầu từ những mồi lửa nhỏ, đốt lên một đống củi nhỏ, kiên trì và kiên trì, sẽ đến lúc có một đống lửa to.

Khi tôi lập ra trang fan page này, tôi không nghĩ sẽ có đông người tham gia đến vậy. Nhưng khi số lượng thành viên ngày một đông lên, tôi tự thấy trách nhiệm của mình cũng vì vậy mà tăng lên. Mong anh chị em hãy cùng tôi nhóm lửa bằng những gì tốt đẹp nhất, hãy dành cho nhau sự quan tâm cần thiết, hãy chia sẻ với nhau những câu chuyện bổ ích. Bớt dần đi những tranh cãi, chửi bới. Bớt dần đi những chỉ trích, cười nhạo. Bớt dần đi những thông tin tiêu cực, bậy bạ. Hãy biến sân chơi nhỏ này thành nơi trang bị cho nhau những kinh nghiệm sống tốt, những kỹ năng sống hay vì chúng ta không cần thêm những lời chê bai nữa.

Có thể ai đó sẽ cười khẩy tôi và cho rằng tôi đang mộng mơ hoặc hô khẩu hiệu. Nhưng tôi vẫn tin là những việc tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm chính là những mồi lửa nhỏ. Nếu nó tắt, tôi sẽ tiếp tục nhóm lại, và khi anh chị em cùng góp sức, biết đâu đến một ngày nào đó, nó sẽ có ích cho “bọn trẻ” thì sao?

Không có nhận xét nào: