Phạt được sử dụng khi trẻ không tuân theo những nguyên tắc do người lớn đặt ra. Không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ về ý nghĩa và biết cách phạt, đôi khi phạt phản tác dụng, làm cho trẻ hư và chống đối lại.
Chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng tư vấn TT&T, đài 1088 TP HCM, cho biết phụ huynh khi mắng phạt con thường vì tức giận nên hay gặp những sai lầm. Điển hình như trường hợp anh Trung (quận 3, TP HCM) khi đi làm về thấy cậu con trai vẫn đang ngồi chơi game mà không chịu dọn dẹp đồ đạc trong nhà như lời bố dặn.
Đang mệt mỏi và ức chế sau ngày làm việc vất vả, ông
bố vội chống xe, chạy vào nhà quát mắng và tát vào đầu con. Ba cái tát
trời giáng bất ngờ của bố làm cậu bé xám mặt, khóc nức nở và chạy vụt ra
khỏi nhà. Một giờ sau khi đánh con xong, bình tĩnh lại anh Trung thấy
hối hận vì đã quá tay với con: “Tôi thực sự không biết sao lúc đó mình
lại nóng giận như vậy”.
|
Sai lầm lớn nhất của cha mẹ là trừng phạt con khi đang nóng giận. Ảnh minh họa: afamily. |
Chị Hoa (ở Đồng Nai) cảm thấy rất mệt mỏi và ức chế
với cô con gái 14 tuổi của mình. Cô bé lớn rồi mà để đồ đạc bề bộn, lôi
thôi, đồ dùng vứt lung tung khắp nhà, quần áo thay ở đâu là để luôn ở
đó. Mẹ đã nhắc đi nhắc lại, nói to có, nhẹ nhàng kín đáo có nhưng vẫn
không thấy sự thay đổi gì từ con. Bất lực, chị Hoa bèn nghĩ ra cách làm
cho con bé bẽ mặt thì may ra thì nó mới chịu thay đổi.
Nói là làm, mỗi lần có người ngoài hoặc bạn bè của con
đến chơi, chị cố ý đưa những tật xấu của con ra nói. Xấu hổ với bạn bè,
thấy mẹ thật quá đáng, cô con gái quyết định bày nhiều chiêu trò quái
đản để thách thức mẹ và sau đó bỏ nhà đi bụi với bạn.
Chuyên gia tâm lý Đăng Thảo khuyên, cha mẹ cần nhớ
rằng mục đích của áp dụng hình phạt với trẻ là giáo dục, làm cho trẻ
không tái phạm và sống tốt hơn. Vì thế trước khi áp dụng hình phạt với
con trẻ, cha mẹ cần lưu ý 5 điều sau:
1. Không sử dụng bạo lực, đừng phạt con khi đang tức giận
Rất nhiều phụ huynh mắc phải sai lầm này. Khi phạt trẻ
trong sự giận dữ thì thực chất cha mẹ đang "xả" những bực dọc, ức chế
của mình xuống con theo kiểu "giận cá chém thớt". Mục đích chính của
phạt là để giáo dục trẻ cư xử đúng hơn. Cho nên trước khi phạt con, cha
mẹ phải “giải tỏa” cho mình trước để bảo đảm bản thân hoàn toàn bình
tĩnh, tỉnh táo khi phạt con.
Khi phạt xong, hãy cho trẻ hiểu đó là áp dụng luật lệ
tự nhiên tất yếu ai cũng phải bị nếu không tuân theo những nguyên tắc
đặt ra. Đồng thời cho trẻ biết rằng, cha mẹ chẳng vui gì khi phải phạt
con. Phạt là phạt tội chứ không phải phạt con. Khi trẻ hiểu được sự cần
thiết của việc phạt, trẻ sẽ chú ý không tái phạm nữa.
2. Đã mắc lỗi thì sẽ bị phạt và hình phạt là nhất quán
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp
dụng nhất quán các hình phạt. Có nhiều phụ huynh lúc vui thì bỏ qua
hoặc phạt nhẹ, lúc nóng giận hoặc buồn thì phạt nặng, gay gắt. Như thế
sẽ khuyến khích trẻ phạm lỗi để thử xem ba mẹ có phạt mình như thế nào,
sau đó sẽ tìm “mánh khóe” để thoát tội.
3. Phạm lỗi nào thì phạt lỗi đó
Không nên gộp chung hoặc phạt lỗi này thay cho lỗi khác hay để sau một thời gian mới quay lại phạt.
4. Thay đổi hình thức phạt khi thấy không hiệu quả
Kinh nghiệm giáo dục trẻ cho thấy hình phạt hay nhất
chính là hình phạt ít được sử dụng nhất. Việc áp dụng hình phạt là để
giảm bớt thói xấu của trẻ. Khi thói xấu giảm thì hình phạt cũng phải
giảm. Nếu sau một thời gian áp dụng mà thấy tính xấu chưa giảm chứng tỏ
hình phạt đó không phù hợp thì phải thay đổi cách phạt. Điều này không
có nghĩa là khuyến khích các hình phạt bạo lực làm tổn hại đến sức khỏe
của trẻ.
5. Đừng phạt con chỉ vì muốn làm con xấu hổ, bẽ mặt
Vì làm như vậy chỉ khiến cho trẻ có những suy nghĩ
tiêu cực rằng cha mẹ mình rất nhỏ nhen, ích kỷ, bất công, không thương
mình. Phạt như vậy không mang lại lợi ích gì mà ngược lại làm cho trẻ
quay phản kháng và bạo lực hơn. "Đừng nghĩ rằng làm như vậy con sẽ xấu
hổ mà thay đổi. Không ai giáo dục thành công bằng cách đi bêu xấu hoặc
làm bẽ mặt trẻ. Vì thế tuyệt đối tránh phạm phải sai lầm trên", chuyên
gia tâm lý đúc kết.
Thi Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét