Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

"Huyền thoại Samurai" của nhà tù Côn Đảo



Những cựu tù Phú Quốc đến bây giờ vẫn còn nhắc lại kinh nghiệm giả chết của tù binh Kim dạy cho các đồng đội. Ông "truyền" kinh nghiệm cho anh em: "Lúc bị tra tấn, phải hết sức nín thở thì sẽ nhanh chết ngất. Như vậy mới bảo toàn được tính mạng để tiếp tục đấu tranh với kẻ thù, chờ ngày về với cách mạng".

Bị chính quyền Sài Gòn giam cầm suốt gần 10 năm trời tại những nhà tù "khét tiếng" nhất miền Nam, anh bộ đội miền Bắc Vũ Văn Kim từng năm lần đào hầm vượt nhà tù, được vinh dự kết nạp Đảng ngay trong buồng giam, và tự rạch bụng tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo để phản đối chế độ cũ đối xử hà khắc với tù nhân. Gần 40 năm đã qua từ ngày ấy, người thương binh Vũ Văn Kim (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn nhớ như chuyện mới vừa hôm qua.

Đào hầm tìm cách vượt ngục

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt nhất, chàng thanh niên Vũ Văn Kim tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam đánh giặc khi mới vừa 18 tuổi. Sáu tháng hành quân vượt đường mòn Trường Sơn, đơn vị ông mới đến được khu vực Nam Trung Bộ là địa bàn được phân công chiến đấu.


Ông Vũ Văn Kim - Người cựu tù Phú Quốc bây giờ. Ảnh; Quý Văn

Trong một trận tập kích vào sân bay Quy Nhơn (Bình Định) một năm sau đó, chiến sỹ Kim bị dính đạn của địch. Đồng đội rút đi không phát hiện ra anh bị tụt lại khỏi đội hình. "Mãi đến khi tỉnh dậy trong quân y viện của địch, nhìn thấy sắc áo rằn ri đi lại, tôi mới biết mình đã là tù binh. Lúc đó, chỉ tiếc rằng tại sao mình đã không chết. Nỗi lo nhất của tôi lúc đó là không thể vượt được qua những đòn tra tấn của giặc sắp tới. Cái chết trong chốc lát thì dễ, nhưng để chịu đựng cái chết dần mòn do địch đày ải thì cực kỳ khó. Vì thế ngay khi vừa biết mình đã bị bắt, tôi nhủ từ giờ phút này, mình phải sống bằng niềm tin và ý chí thì mới có thể chiến thắng đòn roi tra tấn của kẻ thù, mới xứng đáng là Anh bộ đội cụ Hồ", ông Kim nhớ lại.

Và anh bộ đội Vũ Văn Kim đã vượt qua được tất cả những cực hình mà địch dành cho anh. Tra tấn, khai thác người tù binh 19 tuổi suốt nhiều tháng trời mà không lấy được thông tin gì, địch đày anh ra nhà lao Phú Quốc - nơi thường được gọi là "địa ngục trần gian" vì chế độ sống hà khắc và những hình thức tra tấn rùng rợn. Thế nhưng Phú Quốc cũng không khuất phục nổi ý chí của người tù binh này. Gặp lại các đồng đội trong nhà giam chẳng khác gì "cá gặp nước", họ quyết định đào hầm vượt ngục.

Tháng 3/1971, công việc đào hầm được bắt đầu tiến hành ngay từ một vị trí sát hàng rào thép gai, nơi được địch coi là "con ruồi cũng không thể bay qua". Ở khu vực trống trải sạch bóng không có đến một ngọn cỏ này, cai tù dẫn theo ngỗng và chó béc giê đánh hơi thường xuyên đi tuần tra canh gác, ban đêm được chiếu sáng bởi những ngọn đèn pha công suất hàng nghìn watt. Thế nhưng cũng phải đến năm ngày sau, địch mới phát hiện ra việc động trời này khi hầm đã bắt đầu ăn qua lòng đất sang phía bên kia rào kẽm gai.

Ông Kim nhớ lại: "Lúc đó khoảng 12 giờ đêm, đám cai tù chĩa loa vào miệng hầm, quát: 'hoặc ra khỏi hầm - hoặc ăn lựu đạn'". Địch tra tấn ông và hai chiến sỹ khác trong tổ đào hầm đến chết ngất, người mềm oặt, rồi ném các tù binh vào chuồng cọp, thế nhưng họ vẫn một mực nói: "Chỉ có ba chúng tôi tìm cách vượt ngục".

Những cựu tù Phú Quốc đến bây giờ vẫn còn nhắc lại kinh nghiệm giả chết của tù binh Kim dạy cho các đồng đội. Không nhớ mình đã từng bao nhiêu lần bị tra tấn, chỉ nhớ là lúc đó ông nặng vỏn vẹn 30 kg, người toàn da bọc xương. Ông "truyền" kinh nghiệm cho anh em: "Lúc bị tra tấn, phải hết sức nín thở thì sẽ nhanh chết ngất. Như vậy mới bảo toàn được tính mạng để tiếp tục đấu tranh với kẻ thù, chờ ngày về cách mạng".

"Biệt động trừ gian" trong nhà giam

Dấu ấn còn lại của Nhiệm vụ quyết tử, Ảnh: Xuân Quý

Thất bại trong lần đào hầm đầu tiên, sau khi quay trở lại phòng giam, ông và đồng đội vẫn không nản chí mà vạch một kế hoạch vượt ngục khác táo bạo hơn: đào hầm bí mật ngay từ nền buồng giam. Bốn lần đào hầm còn lại, có lần hầm đã dài đến 24m nhưng không hiểu vì sao kế hoạch luôn bị bại lộ, lại tiếp tục những trận đòn thù dành cho ông. Phát hiện nguyên nhân là do một tù binh làm "chỉ điểm" cho cai ngục, các chiến sỹ quyết định cử Vũ Văn Kim làm "biệt động" trong nhà giam với nhiệm vụ thi hành bản án tử hình với kẻ phản bội.

Sau sự kiện này ông bị địch khép tội giết người và bị chuyển ra nhà lao quân sự Cần Thơ chờ ngày ra tòa. Một ngày trước khi rời Phú Quốc, lễ kết nạp Đảng cho chiến sỹ Vũ Anh Kim được tổ chức ngay trong nhà tù. Lễ kết nạp trong tù không cờ hoa vì "hoa trong tâm hồn và cờ Tổ quốc trong tim" như lời ông nói. Ông rưng rưng đứng lặng nghe những lời đồng đội: "Từ giờ phút này đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù đi đến đâu đồng chí cũng phải phát huy phẩm chất của người Đảng viên".

Những phiên xử của Tòa án binh tại Cần Thơ kéo dài suốt cả năm trời luôn bị lý lẽ của người chiến sỹ này bẻ gãy. Phiên tòa thứ nhất, địch kết tội tử hình. Ông tuyệt thực trong nhà giam để đấu tranh với địch, buộc chính quyền chế độ cũ phải mở phiên tòa phúc thẩm. Bản án 21 năm tù vẫn không nhận được sự đồng ý của người chiến sỹ và các đồng đội trong nhà giam. Địch phải mờ phiên tòa lần thứ ba, tuyên ông mức án 10 năm và ngay lập tức đày ông ra Côn Đảo.

Samu rai của ngục Côn Đảo

Cuối năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, không những chính quyền Sài Gòn không trao trả các tù binh cho phía Cách mạng theo như nội dung Hiệp định đã ký, mà còn âm mưu giết dần mòn các chiến sỹ cách mạng tại các nhà giam. Ông Kim kể lại: "Chúng nhốt tù binh vào các phòng giam được ngăn ra bởi những lớp thép gai dày đặc, ăn ỉa ngay tại chỗ, suốt ngày chịu cực hình tra tấn. Chúng âm mưu giết dần mòn các chiến sỹ của ta không tốn một viên đạn bằng cách cho ăn uống thiếu thốn, để ốm đau bệnh tật..."

Để chống lại âm mưu giết hại tù binh của giặc, một cuộc tuyệt thực kèm kế hoạch quyết tử được vạch ra. Theo đó, cuộc tuyệt thực được tiến hành từ ngày 27/2/1974. Qua năm ngày đấu tranh, địch đã không nhượng bộ, mà còn đưa lính quân cảnh mặc y phục vờ làm bác sĩ vào các buồng giam với âm mưu chia rẽ các chiến sỹ. Kế hoạch quyết tử do Đảng viên Vũ Văn Kim thực hiện được Chi bộ nhà lao cho phép tiến hành. Người Đảng viên tự cầm dao rạch bụng sau khi hô to: "Cực lực lên án đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn không thực hiện Hiệp định Paris, âm mưu giết hại tù binh".

Người thương binh già sau mấy chục năm từ cõi chết trở về, vẫn nhớ như in khoảnh khắc những cai tù khiếp sợ người chiến sỹ cách mạng dám dùng mạng sống của mình để đấu tranh với kẻ thù. "Tôi nắm chặt con dao rạch mạnh ngang bụng mình một nhát, chỉ thấy hơi nhói đau. Cúi xuống thấy máu không chảy nhiều, nghĩ rằng mình cầm ngược dao nên tôi rạch thêm năm sáu nhát nữa ngang dọc bụng rồi ngất đi, không còn cảm thấy đau đớn gì nữa", ông Kim kể. Những chiến sỹ cùng nhà giam kể lại, chứng kiến cảnh tượng này, đám cai tù mặt cắt không còn một giọt máu, mở khóa buồng giam lao vào đưa ông đi cấp cứu giữa những lời thét gọi căm thù của các chiến sỹ cách mạng trong nhà lao.

Chỉ một ngày sau khi sự kiện tù binh cách mạng rạch bụng tự sát đấu tranh, chính quyền Sài Gòn lập tức thực hiện các yêu sách của tù binh Côn Đảo. Đảng viên Vũ Văn Kim bụng nát bấy, bông băng trắng xóa người được máy bay chở rời khỏi đảo, đưa về đất liền trao trả cho phía cách mạng. "Huyền thoại samurai" là tên của ông được đồng đội thương mến gọi, và kẻ thù khiếp sợ nhắc đến từ ngày ấy.

Mười năm bị đày đi khắp các nhà lao của chính quyền Sài Gòn, ông tự hào vì đã giữ trọn lời thề son sắt với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân. Không nhắc lại những đau đớn khổ cực mà mình đã chịu đựng suốt 3000 ngày, không nhắc đến những vết thương có thể vẫn còn đau nhói mỗi khi thời tiết chuyển mùa, ông ngậm ngùi nhớ những đồng đội cũ: "Với hàng ngàn vạn anh em đồng chí, tôi vẫn là người may mắn vì đã được trở về từ cõi chết. Tôi xin được gửi lời tri ân đến linh hồn các anh, những người anh hùng đã hy sinh trong những nhà lao của địch, những anh em đồng chí cùng một thời vào sinh ra tử".

Không có nhận xét nào: