Thổi phồng công dụng sản phẩm, đẩy giá lên cao, không cho kinh doanh ở địa phương này lại nhảy sang địa phương khác mở mạng lưới… là những “mánh khóe” trong bán hàng đa cấp.
Đánh vào tâm lý ham tiền nhiều cộng với việc thiếu kiến thức về kinh tế của một bộ phận người dân, các công ty đa cấp thi nhau mời chào họ tham gia làm thành viên để thu lợi nhuận “trong mơ”, khiến nhiều người bị sập bẫy.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó phòng quản lý thương mại Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay có 4 doanh nghiệp thông báo tổ chức bán hàng đa cấp tại địa bàn tỉnh là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Herbalife Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Jeunese Toàn cầu Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Noni Vina và Công ty cổ phần Hoàng Kim Thế Gia. Tuy nhiên, trong số này có nội dung thông báo tổ chức bán hàng đa cấp của một số doanh nghiệp chưa đầy đủ, thiếu chương trình bán hàng, thiếu danh sách người tham gia bán hàng đa cấp như Công ty cổ phần Hoàng Kim Thế Gia, Công ty trách nhiệm hữu hạn Jeunese Toàn cầu Việt Nam.
Theo tìm hiểu, Công ty Hoàng Kim Thế Gia còn có nhiều hoạt động "mập mờ" như lôi kéo hàng ngàn sinh viên tham gia mạng lưới bán hàng của mình theo hình thức: Muốn trở thành thành viên của công ty phải mua một sản phẩm trị giá khoảng 2 triệu đồng rồi phải kéo thêm được 5 thành viên khác tham gia mua sản phẩm. Sau đó sẽ được nhận khoản hoa hồng... trong mơ. Hiện công ty này dang “cánh tay” của mình ở khắp mọi nơi, trong đó có TP HCM.
Thổi phồng công dụng sản phẩm, đẩy giá lên cao, không cho kinh doanh ở địa phương này lại nhảy sang địa phương khác mở mạng lưới… là những “mánh khóe” trong bán hàng đa cấp.
Ngoài kiểu bán hàng đa cấp như trên, tại TP HCM còn biến tướng thêm kiểu bán hàng đa cấp là nạp thẻ điện thoại. Tại các trang mạng tìm việc làm ghi chằng chịt những thông tin tuyển dụng các thành viên thuộc mạng lưới tuyển dụng nhân viên nạp card của một số công ty với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Điều kiện là mỗi sinh viên phải đóng 100.000 đồng kích hoạt sim dùng để nạp tiền điện thoại và học việc trong khoảng 4 ngày. Sau đó, nếu kiếm thêm 5 thành viên do mình quản lý, nếu thành viên nào bỏ việc sẽ phải nghỉ việc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, hiện nay có rất nhiều “mánh khóe” được các công ty sử dụng như khi bị từ chối kinh doanh ở địa phương này, lại nhảy sang địa phương khác mở mạng lưới kinh doanh khắp nơi. Sau đó, mới ôm tiền của mạng lưới rồi bỏ trốn. Mà điển hình nhất là mới đây việc Tập đoàn kinh doanh đa cấp Agel của Mỹ ôm tiền, rút khỏi thị trường Việt Nam thực sự đã gây cú sốc lớn cho hàng ngàn người tham gia mạng lưới này.
Ngoài ra, việc quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm và giá của các sản phẩm này cũng dễ bị đẩy lên cao so với giá thực tế nhiều lần, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Nhung cho biết thêm, hiện nay trên cả nước có khoảng 76 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, trong đó 23 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động và chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp bị rút giấy phép hoạt động. Những doanh nghiệp có lượng người tham gia lớn nhất và có doanh số bán hàng đa cấp cao nhất hiện này gồm Lô Hội, Amway Việt Nam, Thường Xuân, Avon Việt Nam, Herbalife Việt Nam.
Sở dĩ có việc này theo ông Nhung là do các quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp chưa chặt chẽ, các doanh nghiệp lợi dụng việc không buộc phải thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hay trụ sở tại các địa phương mà doanh nghiệp mở rộng hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, một số doanh nghiệp chưa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hay chưa có địa chỉ liên lạc rõ ràng, không có kho chứa hàng, địa điểm, cửa hàng tại một nơi cố định. Hoạt động bán hàng của họ trên địa bàn chỉ được thực hiện thông qua các thành viên là cá nhân tham gia mạng lưới. Nên việc giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này gần như không có, chỉ đến khi số lượng các nạn nhân bị lừa đảo quá nhiều các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Một lỗ hổng nghiêm trọng nhất theo lãnh đạo các tỉnh, thành ngành công thương là việc quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần với Sở Công thương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và các nội dung hoạt động của mình, mà không quy định báo cáo với Sở Công thương nơi các doanh nghiệp thông báo mở rộng mạng lưới hoạt động. Vì vậy rất khó có thể biết được những sai phạm từ phía các công ty đa cấp.
Những vi phạm chủ yếu của các công ty bán hàng đa cấp hiện nay là bán hàng nhưng chưa có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước, công bố chất lượng sản phẩm không đúng, sai nhãn mác, xuất xứ; quảng cáo sai lệch về tính năng công dụng sản phẩm.
vnexpress.net tháng 8/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét