ĐỨC
GIOAN-PHAOLÔ II
VỚI QUAN NIỆM CỦA NGÀI VỀ PHẬT GIÁO
VỚI QUAN NIỆM CỦA NGÀI VỀ PHẬT GIÁO
NGUYỄN CHÍNH
KẾT
(Bài nói chuyện với các tu sĩ Đaminh,
tại dòng Đaminh Gò Vấp, ngày
23-11-1995).
1. Những
ý tưởng này chỉ là của một cá nhân hiểu
biết rất giới hạn cả về Kitô giáo lẫn
Phật giáo, thậm chí chưa nghiên cứu sâu xa cho
đủ về vấn đề mình muốn nói. Do đó,
chắc chắn không thể nào
tránh được những thiếu xót, thậm chí sai
lầm nữa. Rất mong những bậc cao minh cảm
thông, chỉ dẫn.
2. Cuốn
sách «Bước vào Hy Vọng», chắc chắn Đức Giáo Hoàng viết cho
các tín hữu của Ngài để củng cố
đức tin và khơi lên niềm hy vọng cho họ
trước khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba,
chứ không nhắm viết cho
người ngoài Giáo Hội. Bằng chứng cụ
thể là khi cần chứng minh một quan điểm nào,
thì ngài chỉ dùng Kinh Thánh hay Công Đồng Vatican II, là
những thứ không gây tác
dụng thuyết phục đối với những
người ngoài Kitô giáo. Nếu ngài nhắm viết cho
tất cả mọi người, ắt ngài phải
viết theo một lối viết khác hẳn. Vì nhắm
viết cho người Kitô hữu, nên ngài đã dùng
những ý niệm quen thuộc với lối suy nghĩ
Kitô giáo, nhưng lại có thể xa lạ với những
người ngoài Giáo Hội. Xa lạ đến nỗi có
thể làm cho họ hiểu lầm và bất mãn với
từ ngữ cũng như những cách diễn tả
của ngài. Việc cuốn sách được phổ
biến quá rộng rãi, vượt khỏi phạm vi
nội bộ Kitô giáo, trở thành một thứ «best seller», có thể không
nằm trong ý muốn và dự kiến của ngài cho
bằng của những nhà xuất bản sách muốn kinh
doanh làm giàu. Người Phật tử nên độ
lượng cắt nghĩa tốt cho ngài thì hay hơn,
vừa phù hợp với tinh thần hỷ xả của
Đức Phật, vừa tạo được hòa khí, và
theo thiển ý tôi, vừa có
cơ may đúng với thực tế hơn.
3. Tuy nhiên,
những điều Đức Giáo Hoàng nói về Phật
giáo trong cuốn «Bước
vào Hy vọng» đã
khiến cho nhiều Phật tử cảm thấy tôn giáo
của mình bị xúc phạm – đó là một sự kiện không thể
chối cãi được – và họ đã lên tiếng bênh
vực đạo giáo của họ. Sự bênh vực này
chắc chắn có thể làm cho nhiều người Kitô hữu
– tới phiên mình – cảm thấy tôn giáo của mình bị
xúc phạm, và tự nhận thấy có bổn phận
phải lên tiếng bênh vực. Việc mỗi bên bênh
vực tôn giáo của mình như thế rất khó tránh khỏi đụng chạm vì
phải phê bình tôn giáo của nhau, dễ gây tổn
thương lẫn nhau. Bênh vực tôn giáo của mình
đồng thời phê bình tôn giáo của người mà
chưa hiểu rõ được tôn giáo ấy thì chỉ
làm tổn thương lẫn nhau thôi. Chúng ta nên vượt lên trên sự hợp
lý và chính đáng bình thường của con người
– sự hợp lý và chính đáng thúc đẩy ta phải
bảo vệ tôn giáo của mình – để chúng ta đặt nặng tinh thần
đoàn kết yêu thương nhau giữa các tôn giáo.
Nếu hai bên chỉ lo bảo vệ tôn giáo mình để
rồi làm tổn thương tôn giáo khác, thì cả hai bên
đều phản bội lại tinh thần từ bi hay
bác ái của giáo chủ mình. Các vị ấy chẳng bao
giờ muốn chúng ta bảo vệ lập trường
của các ngài hay bảo vệ lập trường tôn giáo
của mình đến nỗi xúc
phạm lẫn nhau, chia rẽ nhau. Chúng ta nên đặt
quyền lợi chung và tình đoàn kết giữa hai tôn giáo
lên trên cả sự bảo
vệ tôn giáo của riêng chúng ta.
4. Đức
Gioan Phaolô II là một giáo hoàng rất uyên bác, nhưng ngài không phải là người chuyên
môn về Phật giáo, cũng giống như ngài không
chuyên môn về khoa học. Nếu chúng ta chấp nhận
rằng những Phật tử cao cấp có thể
hiểu về Phật giáo hơn Đức Giáo Hoàng, thì khi
họ bảo Đức Giáo Hoàng nói không đúng về
họ, thiết tưởng ta nên
trân trọng ý kiến của họ. Cũng như khi
một vị cao cấp bên Phật giáo nói gì về Kitô giáo
mà người Kitô hữu có uy tín bảo là sai, thì họ nên
tôn trọng ý kiến của người Kitô hữu đó.
Tự bào chữa hay phản ứng lại không hẳn
đã hay, đã hợp với tinh thần hòa nhã của
Đấng sáng lập tôn giáo mình. Thái độ của
Đức Gioan-Phaolô II cũng như của Đức
Tổng Giám Mục ở Sri Langka và nhà thần học A.
Pieris – ngỏ lời xin
lỗi và nhìn nhận sự thiếu xót của mình – là
một thái độ can đảm và phục thiện, nói
lên tinh thần khiêm nhường và tôn trọng chân lý
của người Kitô hữu.
5. Trên nguyên
tắc, khi Đức Giáo Hoàng nói những gì ngoài phạm vi tín lý và luân lý trong Giáo Hội, và
không nói với tư cách «ex
cathedra», thì ngài vẫn có
thể sai lầm hoặc thiếu xót. Có lẽ tất
cả mọi Kitô hữu, cho dù chính thống hay tôn kính Đức
Thánh Cha tới đâu, cũng không thần thánh hóa ngài
đến mức cho rằng ngài bất khả ngộ trong tất cả mọi
điều ngài nói. Vì thế, trong trường hợp
này, cho dẫu ngài có nói sai về Phật giáo đi nữa,
thì niềm tin tưởng của người Công giáo
về tính «vô ngộ» của ngài, thiết
tưởng không nên vì thế mà bị tổn thương.
Giải thích một vài điểm gây
hiểu lầm:
Đọc
cuốn «Bước vào Hy
vọng» của
Đức Gioan-Phaolô II và cuốn «Đối thoại với Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II» của một số Phật
tử, tôi nhận thấy có một vài từ ngữ hay một vài ý niệm của Đức Giáo Hoàng đã gây
hiểu lầm. Tôi chỉ xin đan cử một vài thí
dụ mà tôi cho là biểu
trưng nhất, đồng thời trình bầy quan
điểm hạn hẹp của tôi.
1. Từ ngữ «vô thần»:
Đức
Giáo Hoàng viết: «Một
phần rất lớn, Phật giáo là một hệ
thống vô thần».
Chữ
«vô thần» trong câu này
chắc chắn mang ý nghĩa như người Kitô giáo
vẫn hiểu: vô thần là không công nhận có Thiên Chúa
tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, nghĩa là
không chấp nhận có Hóa Công hay Đấng Tạo Hóa.
Nếu hiểu «vô thần»
như thế thì Đức Giáo Hoàng nói rất đúng, không
sai chút nào, vì giáo lý của Đức Phật dạy như
vậy. Nhưng khi đọc cuốn "Bước vào
Hy vọng", người Phật tử lại hiểu
chữ «vô thần» theo
nghĩa họ thường hiểu: Vô thần là chủ
trương không có thần thánh, thần linh nào cả, không
có thế giới linh thiêng. Chữ «thần» được họ hiểu là thần
linh (deus viết thường), chứ không phải là Thiên
Chúa (Deus viết hoa). Nếu «vô
thần» trong lời Đức Giáo Hoàng mà có ý nghĩa
như thế thì Đức Giáo Hoàng đã nói sai và nói oan cho
Phật Giáo, vì Phật giáo tuy không công nhận có Thiên Chúa,
nhưng vẫn nhìn nhận có thế giới thiêng liêng,
thế giới «vô vi», có các
vị «thiên» sinh sống
(tương tự như thiên thần ở bên Kitô giáo).
Vả lại, khi nghe nói tôn giáo của mình bị gọi là
«vô thần», người
Phật tử có thể có cảm tưởng tôn giáo mình
bị đồng hóa với những chủ thuyết vô
thần, vô tín ngưỡng, và cảm thấy bị xúc
phạm. Đây rõ ràng là sự hiểu lầm về từ
ngữ, chứ Đức Giáo Hoàng không có hậu ý gì khác.
2. «Thế gian
là nguồn bất hạnh và đau khổ»
Đức
Giáo Hoàng viết: «Phật giáo
xác tín rằng thế gian này là xấu, là nguồn phát sinh
bất hạnh và đau khổ cho con người».
Khi
viết điều này, có thể Đức Giáo Hoàng đã
căn cứ trên lời Phật nói: «Đời là bể khổ», và khổ đến nỗi «nước mắt
của chúng sinh bao nhiêu thế hệ cộng lại còn
nhiều hơn nước sông Hằng». Và mục đích của Phật giáo là giải
thoát, thoát khổ: «Cũng
như biển chỉ có một vị mặn, giáo lý
của ta chỉ có một vị duy nhất là vị
giải thoát». Phật nói «đời
là bể khổ», khiến
cho rất nhiều người có cảm tưởng
Phật rất bi quan về thế giới. Nói «đời
là bể khổ» dễ
làm cho người ta nghĩ rằng thế gian này là nguồn gốc phát sinh đau
khổ. Và không phải chỉ có Đức Giáo Hoàng hay
các nhà Phật học Tây Phương mới nghĩ là
Phật giáo bi quan yếm thế về thế giới, mà
nhiều học giả tại Việt Nam cũng như
tại Á Châu đã nghĩ như vậy.
Chỉ
những ai hiểu sâu sắc về Phật giáo mới
thấy Phật giáo không hề
bi quan như vậy. Vả lại, Phật nhận
thấy «Đời là bể
khổ» trước khi
ngài lên đường tìm chân lý. Khi giác ngộ chân lý
rồi, ngài nhận thấy rằng nguyên nhân của cái
khổ không phải là do khách
quan, nghĩa là không phải
do thế giới này, mà chủ
yếu là do chủ quan: do cái nhìn của mình bị
vướng mắc, do tâm hồn của mình chưa thanh
tịnh (trong sạch), do nghiệp lực của mình còn
nặng nề vì những tội ác đã làm… Khi cái nhìn thay
đổi, khi nghiệp lực đã trả hết, thì ngay tức khắc, chính
thế gian mà ta đang sống đây trở thành Quốc Độ Phật, đầy
trang nghiêm thanh tịnh (Kinh Duy
Ma Cật, Phẩm 1: Phật
Quốc). Do đó, chỉ cần thay đổi cách nhìn
về thế gian thì thế gian sẽ thay đổi.
Tương tự như: «Người
vui thì cảnh cũng vui, người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ». Nghĩa
là sau khi giác ngộ, Phật không còn cho thế gian là
nguồn gốc của đau khổ nữa. Muốn thoát
khổ, phải thay đổi cách nhìn thực tại
bằng cách phát triển trí tuệ của mình. Phật xác
quyết một cách rất lạc quan và chắc chắn:
cứ thực hành giáo pháp của ngài thì chắc chắn
sẽ thoát khổ. Không phải chỉ thoát khổ mà còn an
lạc nữa, thứ an lạc thường hằng không
ai lấy mất được.
Việc
hiểu lầm trên cũng tương tự như
trường hợp có người căn cứ vào quan niệm «ba
thù» (ma quỉ, thế
gian, xác thịt) mà người Công giáo vẫn thường
nói, để rồi kết luận rằng người
Công giáo coi thế gian và thể xác của mình là xấu xa,
là kẻ thù. Như thế quả có phần hợp lý,
nhưng rõ ràng là không đúng. Vì thế gian và xác thịt
trong từ «ba thù» không phải chỉ là thế
gian hay thân xác theo nghĩa thường nói, mà là tinh thần
thế tục (thích hưởng thụ, ích kỷ) và
sự nặng nề yếu đuối của thân xác
(như tính lười biếng, sự ham muốn nhục
dục tội lỗi). Nhưng nếu có ai hiểu sai
như vậy, người Công giáo vẫn phải thông
cảm cho sự hiểu lầm ấy, vì chính trong ngôn
ngữ của mình đã có từ «ba thù», trong đó có
thế gian và xác thịt. Chính ngôn ngữ của mình đã
làm người khác hiểu lầm một cách rất «hợp
lý».
3. Từ ngữ «lãnh
đạm» hay «vô cảm»:
Đức
Giáo Hoàng cho rằng Phật giáo chủ trương «để thoát khỏi những
điều xấu này, cần phải thoát ra khỏi thế gian, phải cắt
đứt những ràng buộc với thực tại bên
ngoài, tức là những ràng buộc mà cơ cấu nhân
bản, tâm lý và thể lý áp đặt lên chúng ta. Dần
dần nhờ sự giải thoát này, chúng ta sẽ trở
nên càng ngày càng lãnh đạm
với những gì ở trong thế gian, và chúng ta sẽ
thoát khỏi đau khổ, nghĩa là khỏi sự ác
đến từ thế gian».
Đối
với thế gian chuyển biến dời đổi,
Phật dạy phải «điều
phục tâm» mình, không
để tâm mình xao động trước những
cảnh vô thường của thế gian: mất
được, ly hợp, tụ tán… thậm chí không còn ham
muốn gì cả. Mọi hình thức ham muốn đều
tạo nên những nghiệp lực ràng buộc khiến ta
bị luân hồi mãi. Khi đọc những đoạn
kinh như thế, người ta thường chỉ
hiểu nghĩa lý của những câu ấy theo một
chiều. Làm tâm mình không bị ảnh hưởng
trước ngoại cảnh dễ bị hiểu là lãnh đạm, vô cảm.
Nhưng những người am hiểu Phật giáo thì không
hiểu một chiều như thế. Điều phục
tâm, không để tâm xao động vì ngoại cảnh, một mặt là không
để cho ngoại cảnh chi phối được
tâm hồn mình, không để cho danh lợi thú làm mờ ám
lương tâm mình, không để uy vũ hay bạo
lực làm mình sợ hãi. Nhưng
mặt khác, người theo Phật lại phải rất gắn bó với thế
gian, rất yêu thương thế gian đến nỗi
sẵn sàng dấn thân để giúp ích thế gian.
Khi tu
học tới một trình độ nào đó, người
Phật tử cảm thấy không nên tìm mọi cách
để tránh khổ đau nữa vì nhận ra rằng: «Tất cả các phiền não
đau khổ đều là hạt giống Như Lai.
Tương tự như nếu mình chẳng lặn
xuống biển sâu thì không thể tìm thấy châu báu vô giá.
Cũng vậy, nếu mình chẳng chịu ngụp lặn
trong bể cả phiền não, ắt mình không thể tìm
được của báu là cái trí tuệ biết hết
tất cả» (Kinh Duy-Ma Cật, Phẩm 8: Phật
Đạo). Chính khi không còn sợ bị ràng buộc vào
cảnh khổ nữa, thì tâm hồn con người
mới tự do, không bị ràng buộc. Kinh Phật
dạy như thế, làm sao có thể kết luận là
Phật chủ trương lãnh đạm với thế
gian được? Vả lại, muốn thành tựu
quả vị Bồ Tát, người Phật tử
phải dấn thân vào trong thế gian không sợ mệt
mỏi, không sợ đau khổ, thậm chí sẵn sàng
lăn xả vào đau khổ nữa, với mục
đích thương cứu chúng sinh đau khổ.
Đức Phật chính là mẫu gương trong việc
điều tâm này. Không gì vô thường xảy ra có
thể làm cho tâm hồn ngài phải náo loạn, buồn
phiền, nhưng ngài lại rất nhạy cảm
trước nhu cầu của đồng loại. Tâm
từ bi của ngài khiến ngài thương tất cả
mọi chúng sinh, cho dù là con kiến hay con muỗi, và sẵn
sàng xả thân để cứu giúp. Xét như thế thì
ngài đâu có vô cảm, đâu có lãnh đạm với
thế gian.
Con
đường của Phật là con đường trung
đạo, Phật định nghĩa trung đạo
như sau: «Hiểu vô ngã là vô
ngã, hữu ngã là hữu ngã thì không phải là trung
đạo. Thấy vô ngã trong hữu ngã và hữu ngã trong vô
ngã mới là trung đạo». Cũng vậy, hiểu vô
cảm là vô cảm, lãnh đạm là lãnh đạm không
phải là trung đạo; thấy trong lãnh đạm có
sự quan tâm, nhạy cảm, trong quan tâm nhạy cảm có
sự vô cảm, lãnh đạm mới là trung đạo.
Chữ
«lãnh đạm» hay «vô cảm» được
dịch từ chữ «indifferent» trong bản tiếng Anh.
Dịch như thế chưa được hoàn chỉnh
lắm và dễ gây hiểu lầm. «Lãnh đạm», «vô cảm» có nghĩa hơi mạnh, cần phải dịch
nhẹ nhàng hơn một chút. Tôi nghĩ phải dịch là
«thanh thoát» mới đúng. Thanh thoát là tâm hồn không bị ràng buộc vào thực tại,
cho dù vẫn sống cùng
với thực tại, vẫn gắn bó với thực
tại. Trong chương trình linh thao của Thánh Inhaxiô,
có nói tới thái độ «indifferent» này, và được
nhiều bản dịch là «siêu
thoát», «thanh thoát». Nếu
tôi có tâm hồn siêu thoát với tiền bạc, không bị
ràng buộc bởi tiền bạc, điều đó không
có nghĩa là tôi không cần tiền bạc, tôi không thèm
kiếm tiền, hay không quí trọng đồng tiền. Có
thể tôi phải trầy da tróc vẩy mới kiếm
được đồng tiền để sống, nên
tôi rất quí trọng đồng tiền vì nó là công
sức của tôi. Nhưng tôi đồng thời vẫn có
thể có tâm hồn thanh thoát đối với tiền
bạc, tôi không bao giờ để tiền bạc làm
mờ ám lương tâm, tôi có thể từ chối
nhận tiền khi sự nhận đó làm tổn
thương tới lương tâm hay tư cách của tôi.
Tôi vẫn luôn luôn giữ được tự chủ
trước sự quyến rũ của tiền bạc.
Về vần đề này, tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng
có thể hiểu đúng, nhưng từ ngữ đã
phản bội ngài, nhất là người dịch lại
càng làm cho người ta hiểu sai hơn nữa.
4. Từ ngữ «tiêu cực»:
Đức
Giáo Hoàng có viết: «Truyền thống Phật giáo và
những phương pháp tu luyện phát minh từ đó cho
ta một thuyết giải thoát hầu như hoàn toàn tiêu cực».
Phương
pháp tu luyện của Phật giáo thường chủ
yếu được trình bày là diệt trừ tham sân si,
hay nói cách khác là diệt dục. Và đích điểm
của phương pháp tu luyện này là đạt tới
Niết Bàn. Mà Niết Bàn được Phật
định nghĩa toàn bằng những phủ
định. Bản thân chữ Niết Bàn là phiên âm của
từ ngữ Bắc Phạn là Nirvana.
Trong đó, Nir là Không (phủ định), Vana là Ái dục, là
sợi dây nối liền hai đời sống. Nirvana hay Niết Bàn là sự dứt bỏ, tách rời (Nir) ra khỏi ái dục (Vana), khỏi sự thèm khát nhục
dục. Để vào được Niết Bàn, giảm
bớt ham muốn mà thôi chưa đủ, còn phải tiêu
diệt mọi ham muốn, thậm chí cả ham muốn vào
Niết Bàn nữa. Vì bất kỳ ham muốn nào cũng
tạo nên nghiệp lực giữ chúng sinh lại trong vòng
luân hồi. Ngay cả cái «tôi» mà ta vẫn cảm nghiệm
được và coi nó là chính mình đây, cũng phải
được quan niệm là giả, là vọng, là hư
ảo.
Trong
một trình độ nào đó, thì Phật giáo
được trình bày như thế. Trình bày như thế
rất đúng với giáo lý Phật giáo. Nghe trình bày như
thế, người ta dễ có cảm tưởng cứu
cánh của Phật giáo rất là tiêu cực. Chính tôi,
người viết bài này, cũng đã từng hiểu
như thế khi tìm hiểu Phật giáo. Vì thế tôi râát
thông cảm với Đức Giáo Hoàng khi ngài cho rằng
phương pháp tu luyện của Phật giáo hoàn toàn tiêu
cực. Tôi cho rằng ngài rất có lý khi hiểu như
thế. Tuy nhiên, tìm hiểu Phật giáo sâu hơn, tôi không
còn hiểu như thế nữa. Nhưng nếu chỉ
dừng lại ở đây, chỉ hiểu tới đây,
thì mọi ngưòi Kitô hữu đều có thể kết
luận như Đức Giáo Hoàng rằng mục đích
của Kitô giáo vượt xa hơn như thế. Tình
trạng Niết Bàn mà Phật giáo coi như mục đích
của mình chỉ là một giai đoạn mà người
Kitô hữu phải đạt tới để rồi phải
vượt qua để đi đến mục đích xa
hơn. Cái mà Phật giáo coi là mục đích thì Kitô giáo
chỉ coi là phương tiện. Nghe một Kitô hữu
nhận định như thế, có Phật tử nào mà
không cảm thấy trạnh lòng?
Tìm
hiểu Phật giáo sâu xa hơn, tôi không còn quan niệm
như thế. Cái cốt tủy của Phật giáo không
nằm ở chỗ diệt trừ tham sân si hay diệt
dục, mà là giác ngộ
được chân tính hay thật tướng của
mình, mà Phật giáo gọi là kiến
tánh. Kiến tánh là giác
ngộ được mình và Chân Như Tuyệt Đối
là một, mình đã là Phật từ muôn lượng
kiếp. Sự giác ngộ này đem lại sự
giải thoát, an vui, hạnh phúc, thân tâm luôn an lạc. Sự
diệt dục hay diệt tham sân si chỉ là để
tạo điều kiện thuận lợi cho mình phát sinh
trí huệ bát nhã hầu có thể giác ngộ hay kiến
tánh.
Về
sau, tôi mới phần nào hiểu được Niết
Bàn là tích cực. Niết Bàn là một «trạng thái» có
thực, không phải là «hư
vô», tiêu cực. Vì là
một trạng thái chỉ những người
đắc đạo mới chứng ngộ
được, và không có một kinh nghiệm nào
tương đương với những kinh nghiệm
của người thường, nên Đức Phật chỉ có thể diễn
tả thực tại này bằng
những phủ định: nó không phải là cái này hay
cái kia, chứ không thể xác
định nó là cái gì. Do đó, những người
chưa hiểu nhiều về đạo Phật,
thường quan niệm Niết Bàn là một cái gì tiêu
cực, thậm chí đồng hóa nó với hư vô nữa.
Một
minh họa giúp ta dễ hiểu. Đối với ai có
mắt sáng như chúng ta, thì mầu sắc là một
thực tại hết sức thiết thực, hoàn toàn tích
cực. Nhưng nếu ta lạc vào một xứ gồm
toàn những người mù bẩm sinh, mù từ thời
tổ tiên bao đời trước. Những người
này không ai có một kinh nghiệm gì về màu sắc cả.
Nếu ta phải diễn tả cho họ về màu sắc
thì ta biết nói màu sắc là gì đây? Cái gì tương đối
tích cực để diễn tả màu sắc thì
đều vượt khỏi tất cả những kinh
nghiệm họ có được. Họ sẽ có khuynh
hướng nghĩ màu sắc là cái này cái nọ mà họ có
thể quan niệm được theo kinh nghiệm họ
đã có. Như vậy chắc chắn là họ quan
niệm sai về màu sắc, khiến ta phải phủ
nhận rằng màu sắc không hề là những thứ
đó, và ta không thể làm khác hơn. Thế là họ
bắt đầu nghĩ rằng màu sắc là hư vô, là
một cái gì hết sức tiêu cực. Cũng tương
tự như thế, nhiều người học Phật
khi nghe Phật tổ diễn tả Niết Bàn bằng cách
phủ nhận tất cả như thế, liền có thái
độ như những người trong minh họa trên.
Theo
Đức Phật, Niết Bàn là một thực tại có thật, rất tích cực, nhưng
siêu thế, siêu nghiệm, không thuộc bình diện hiện
tượng, nên bất biến, vĩnh cửu, bất
khả tư nghị. Đức Phật đã mô tả Niết
Bàn bằng những từ ngữ như: Vô tận, Bất tùy thế, Vô Song, Tối Cao,
Tối Thượng, Bỉ Ngạn (đến bờ bên
kia), Chỗ Nương
Tựa Tối Thượng, Chu Toàn, Bảo Đảm,
Hạnh Phúc, Duy Nhất, Bất Khả Diệt, Phi Nhân,
Tuyệt Đối Thanh Tịnh, Siêu Thế, Vĩnh Cửu,
Giải Thoát, Vắng Lặng… Nếu đem so sánh
mhững thuộc tính mà Đức Phật dùng để
diễn tả Niết Bàn với những thuộc tính mà người Kitô hữu dùng
để diễn tả Thiên Chúa, ta thấy có nhiều
trùng hợp rõ rệt. Với những thuộc tính đó
làm sao ta bảo Niết Bàn là tiêu cực được?
Trái lại, với những thuộc tính đó, Niết Bàn
phải được coi là tích
cực hơn tất cả những gì tích cực nhất
ta có thể quan niệm được. Niết Bàn đó
chính là mục tiêu cứu cánh của Đạo Phật,
cũng là cứu cánh của tất cả mọi chúng sinh.
Để kết luận
Bất
kỳ ai tìm hiểu về Phật giáo cũng đều
phải trải qua quá trình từ không hiểu đến
hiểu, từ hiểu ít đến hiểu nhiều,
từ hiểu sai đến hiểu đúng. Đức
Giáo Hoàng có thể hiểu rất rõ và rất đúng về
Kitô giáo, nhưng đối với Phật giáo, ngài có
thể hiểu ít, hiểu chưa chính xác, vì ngài đã không
tìm hiểu nhiều về tôn giáo này. Do đó, nếu ngài có
nói gì thiếu xót, ta nên thông cảm và tránh những gì xúc
phạm đến ngài, vì chắc chắn những
người thông thái nhất về Phật giáo, khi mới
tìm hiểu về Đạo Phật, cũng đã từng
trải qua những kinh nghiệm như hiểu sai,
hiểu một cách ngờ nghệch…. Nếu ta chê bai
đả kích những người hiểu biết ít
hơn ta, thì có thể chính ta đã đi sai tinh thần
của Phật giáo rồi!
NGUYỄN CHÍNH
KẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét