Trịnh Công
Sơn đã đi vào lòng người không biết bao nhiêu thế hệ bằng những bản
nhạc mang đậm triết lý và nhân sinh sáng lấp lánh! Nghe Nhạc Trịnh,
chúng ta không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn chạm tới những ngõ ngách
sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, chạm tới những khoảng chân như vắng
lặng của thực tại mầu nhiệm và niềm vui sống, tình thương bất diệt trong
mỗi con người...!
Trao đổi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Hỏi :Có người phát biểu rằng, những bản nhạc của anh thường mang đậm triết lý nhà Phật? Xin anh vui lòng cho biết ý kiến của mình.
TCS: Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là
Phật Giáo. Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật.
Thuở bé tôi hay đến chùavì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm
bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi
thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi
trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên
cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt đuợc còn có lời kinh kệ vô
tình nằm ở đấy.
Hỏi: "Một cõi đi về" có thể nói là một bài hát thuyết phục được
cả hai "thế giới" trẻ và người lớn tuổi, xin anh cho biết về bối cảnh để
bài hát này ra đời?
TCS: Như tôi đã nói ở trên, thuở nhỏ tôi thích đến chùa vì sự
tịch lặng thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như
khôngcó nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên
tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát "Một cõi đi về"
và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại
giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà
trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở
về lại với hư vô. Đi - về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai
cũng phải trãi qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo
hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật. Một người bạn thân là
nhà văn khi nghe bài này đã nói với tôi: nghe bài này mình không còn cảm
thấy sợ chết nữa. Đó chỉ là một ý kiến. Điều tôi thành thật rất vui là
giới trẻ có vẻ cũng thích bài hát này. Tôi rất muốn nghe những ý kiến
của họ.
Hỏi: Anh có thể cho biết những kinh gnhiệm của
mình về Phật Giáo? Một tôn giáo như thế nào? Đặc biệt là trong lãnh vực
văn học nghệ thuật hay âm nhạc v.v...
TCS: Không hiểu sao, những năm gần đây tôi thường nghỉ về Phật
Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ
sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi
sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nắm ngồi.
Không làm công việc này mà nghỉ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là
Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống
như thế hằng ngày.
Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ
triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc
tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng đuợc một ngôi
chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản
thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác
đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho
ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.
Hỏi: Anh có hành Thiền mỗi ngày không? Và thường anh bằng cách
nào để vươn đến đỉnh cao trong hứng cảm sáng tác? Đạo Phật có giúp gì
việc đó không?
TCS: Tôi có cách hành Thiền
riêng. Không có giờ nhất định. Và thậm chí cũng không nghĩ là mình đang
làm việc Thiền. Đó chỉ là một cách sống. Và sống Thiền trong mỗi sát-na.
Ngồi trước một ly rượu hay trước một nhan sắc cũng vậy. Điều này hơi vi
phạm giáo luật Phật Giáo, nhưng tôi là kẻ trần tục nên cứ tự cho phép
mình như thế. Vả lại có nhiều con đường dẫn đến với Phật như gõ mõ tụng
kinh, thắp hương cầu nguyện, tại sao tôi lại không dùng một phương tiện
quen thuộc và gần gũi với mình nhất là ly rượu? Hơn nữa tôi không
quanniệm tìm đến với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là
chiếc ngai Phật.Tôi ngồi. Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập
Phật. Như một lũ con dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì
có thể nuôi dưỡng được cho một cõi "Ngộ" ra đời. "Thấy" và "Biết" và từ
đó làm nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười "hàm tiếu" là La
Joconde của Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được.
Cuối năm 1995 tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai
cũng thích. Đó là bài "Sóng về đâu". Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ
"Gaté Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi Savaha".
Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi sáng tác, tôi phải
lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại phiêu bồng,
ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận
ngõ cụt không đâu.
Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình.
Hỏi: Câu hỏi cuối cùng: "Làm sao em biết bia đá không đau, ngày
sau sỏi đá cũng cần có nhau". Anh có thể cho biết sự đồng cảm, cảm thức
của mình khi hát lên điều đó?
TCS: Mỗi sự vật, mỗi đồ vật, dù nhỏ dù lớn đều có hai giá trị,
Valeur en soi và Valeur puor soi. Tôi nhìn viên sỏi từ ngày này qua
tháng nọ và bỗng dưng tôi có cảm giác là nó cũng có một thân phận và một
nỗi buồn vui riêng của nó. Tôi là hạt bụi và nó là viên sỏi có khác gì
nhau đâu. Nếu tôi có thể buồn vì một đóa hoa tàn thì vì sao tôi không
thể cảm cảnh vì một viên sỏi lẻ loi này không có một viên sỏi khác nằm
cạnh bên.
PV Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét