(VTC News) - Tranh cãi là một nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ mối quan hệ nào. Các nghiên cứu hiện nay cũng cho rằng tranh cãi có lợi cho sức khỏe. Những cặp đôi hay tranh luận sống lâu hơn những cặp "ngậm hột thị" khi giận dữ hoặc thất vọng
Có những nguyên tắc tranh luận giúp bạn củng cố mối quan hệ chứ không hề làm cho quan hệ giữa hai bạn xấu đi. Hãy đọc và vận dụng để củng cố mối quan hệ gia đình.
Không lăng mạ
Trong cuộc tranh cãi nảy lửa, rất có thể người ta có xu hướng lăng mạ hay nói những điều người ta không thực sự muốn. Vậy, bạn nên làm gì để tránh?
Hãy tập trung vào vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết và đừng đưa những vấn đề khác vào. Hãy đảm bảo cuộc tranh luận không kết thúc bằng sỉ nhục bởi nó sẽ mang lại những vết thương hằn sâu về mặt tình cảm. Trên thực tế, các đức ông chồng đều dễ dàng quên đi chủ đề mà hai bạn đang tranh cãi nếu bạn lỡ lăng mạ chàng.
Đừng lấn lướt sang những vấn đề khác
Bạn thường có xu hướng "bới móc" những vấn đề bạn không thích ở chàng khi đang tranh luận về một vấn đề gì đó. Bạn lôi tất tần tật những điểm xấu của chàng ra để xỉa xói. Điều này chỉ càng làm cho chàng thất kinh về một bà vợ lắm điều.
Vậy bạn nên làm gì? Hãy chỉ tập trung vào vấn đề chính. Hãy trung thực về những điểm bạn không hài lòng và chỉ nói đến vấn đề đó. Chỉ nên giải quyết một vấn đề ở một thời điểm, bạn sẽ dễ đi đến đồng thuận hơn là tham lam muốn chồng mình chú ý đến quá nhiều vấn đề một lúc.
Tranh cãi có mục tiêu
Thông thường, bạn sẽ tranh luận mà không nghĩ đến bạn muốn giành được cái gì. Điều này khiến bạn cứ đi lòng vòng mà không biết khi nào dừng lại. Do đó, nếu bạn là người "khơi mào", hãy nghĩ đến mục tiêu trước khi gợi chuyện. Hãy nghĩ đến kết quả, điều gì làm cho bạn thấy hài lòng. Bằng cách đó, bạn sẽ không bị kéo vào cuộc tranh luận "không lối thoát", bạn luôn có đích để nhắm tới. Bạn sẽ có thể đạt được thỏa hiệp mà cả hai cùng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Biết nói lời xin lỗi
Người ta hay có xu hướng không chịu nhận trách nhiệm và bỏ đi giận dữ khi đã tranh cãi xong. Bạn nên làm điều ngược lại, khi đã đi đến thỏa thuận, hãy nói lời xin lỗi với người bạn đời. Bạn chẳng mất gì cả. Hai từ này có ý nghĩa rất lớn đối với người đàn ông và giúp cho mối quan hệ của hai bạn đỡ căng thẳng hơn.
Không tranh luận trước mặt con cái
Nếu bạn cảm thấy khó chịu vì một điều gì đó, bạn có thể hét lên với chồng ngay cả khi con bạn cũng có mặt trong phòng. Điều này là điều tối kị. Ngay cả khi cảm thấy đó là vấn đề cực kỳ quan trọng thì cũng hãy chờ cho đến khi con ngủ hoặc không ở nhà.
Tranh cãi trước mặt con có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của chúng, đặc biệt là nếu điều này xảy ra thường xuyên. Hoặc bạn có thể chờ đến khi bình tĩnh lại rồi mới nói, nó sẽ giúp cho cuộc tranh luận bớt "nóng" hơn.
Không cãi nhau khi uống rượu
Chỉ cần vài chén rượu là bạn có thể tranh cãi về những việc rất nhỏ nhặt, tầm thường. Do vậy, nếu mọi việc bắt đầu khi bạn đã ngà ngà say, hãy cố gắng ngăn chặn càng sớm càng tốt và đề nghị tranh luận vào ngày hôm sau khi cả hai đã tỉnh táo. Tranh cãi khi say rượu, bạn sẽ không làm chủ được về lời nói, hành động, do đó có thể gây ra những sự việc vô cùng đáng tiếc.
Ngồi xuống và nhìn vào nhau
Khi cãi nhau, các cặp đôi có thể chạy xung quanh nhà để đấu khẩu, thậm chí khi cả hai ở hai phòng khác nhau. Hãy cố ngồi xuống bàn ăn hay ghế sofa để nói vào trọng tâm. Bằng cách nhìn vào nhau, bạn sẽ ít có khả năng nói về những gì bạn hối tiếc và cũng thấy được tác động của những gì bạn phát ngôn. Khi ngồi xuống, các bạn cũng sẽ nói ít "hùng hổ" hơn khi đứng lên. Từ ngữ dùng trong tranh cãi cũng nhẹ nhàng hơn.
Đình chiến
Nếu đã cãi nhau, các cặp vợ chồng thường to tiếng cho đến khi cả hai giận tím mặt và cứ tiếp tục trong hàng tiếng đồng hồ. Hãy dừng lại và dành cho nhau những khoảng thời gian riêng. Hãy đề nghị tạm nghỉ và trở lại vấn đề trong vài tiếng sau, hoặc thậm chí là vào ngày hôm sau. Điều duy nhất bạn cần phải nhớ là đảm bảo sẽ trở lại và giải quyết tận gốc vấn đề. Đình chiến không được sử dụng làm cớ để kết thúc tranh luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét